Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho biết, do giá phôi thép, thép phế tăng mạnh và liên tục nên các nhà sản xuất phải điều chỉnh tăng giá thép thành phẩm để bù lại chi phí giá thành.
Hiện các nhà máy phía Bắc đã tăng giá 5 lần, mức tăng gộp là 1.100 đồng/kg trong tháng 8, từ mức 10.770 đồng/kg lên 11.870 đồng/kg. Các nhà máy phía Nam đã tăng giá 3 lần, mức tăng gộp từ 1.100 đồng/kg trong tháng 8. Hiện mức giá bán là 12.300 đồng/kg đến 12.700 đồng/kg.
“Dự báo, giá phôi sẽ giữ ở mức cao 12.100 đồng/kg đến 12.700 đồng/kg. Do vậy, giá thép thành phẩm sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong tháng 9 này”, ông Sưa dự báo.
Theo số liệu từ VSA, giá than mỡ luyện cốc tháng 9, nhập khẩu ở mức 210 USD/tấn, tăng khoảng 20 USD/tấn, tương đương 11% so với đầu tháng 8.
Giá thép phế liệu cũng ở mức cao 350-354 USD/tấn. Mức giá này đã tăng khoảng 40 USD/tấn so với mức giá giao dịch trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Thép phế nội địa tăng từ mức 6.350 – 6.550 đồng/kg lên mức 6.800 – 7.200 đồng/kg so với tháng 8.
Giá phôi giao dịch những ngày đầu tháng 9/2017 ở mức 540-545 USD/tấn, tăng 70 USD/tấn so với đầu tháng 8, tương ứng tăng 13%. Giá phôi nội địa tăng từ 10.500 đồng/kg lên 12.100 đồng/kg.
Thép cuộn cán nóng cũng ở mức 565 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn, tương ứng tăng 7% so với đầu tháng 8.
Trong 8 tháng năm 2017, sản xuất thép trong nước vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ, đạt gần 13 triệu tấn, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2016; bán hàng thép các loại trong nước đạt gần 11 triệu tấn, tăng tương ứng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết tháng 7/2017, nhập khẩu thép các loại đạt hơn 11,6 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6 tỷ USD, giảm 15% về lượng, nhưng tăng 17% về giá trị so với cùng kỳ 7 tháng 2016.
Xuất khẩu thép các loại đạt 2,98 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD, tăng 27% về lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ 2016.